Phân tích Bài_thơ_sấm_trên_cây_gạo_làng_Diên_Uẩn

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lời tiên đoán của sư Vạn Hạnh về bài thơ:[6]

"Thụ căn điểu điểu", chữ căn nghĩa là gốc, gốc tức là vua, chữ điểu đồng âm với yểu, nên hiểu là yếu. "Mộc biểu thanh thanh", chữ biểu nghĩa là ngọn, ngọn tức là bề tôi, chữ thanh âm gần giống với chữ thanh nghĩa là thịnh. Hòa, đao, mộc [ghép lại] là chữ Lê. Thập, bát, tử [ghép lại] là chữ Lý. "Đông A" là chữ Trần, "nhập địa" là phương Bắc vào cướp. "Mộc dị tái sinh" là họ Lê khác lại sinh ra. "Chấn cung kiến nhật", chấn là phương Đông, kiến là mọc ra, nhật là thiên tử. "Đoài cung ẩn tinh", đoài là phương Tây, ẩn cũng như lặn, tinh là thứ nhân. Toàn bộ mấy câu này ý nói là vua thì non yểu, bề tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương đông mọc ra thì thứ nhân ở phương tây lặn mất, trải qua 6, 7 năm thì thiên hạ thái bình.

Bài thơ được người đời sau cắt nghĩa:[7]

  • Câu 3: chữ Hòa (禾) + chữ Đao (刀) + chữ Mộc (木) ghép lại thành chữ Lê (黎). Câu 3 tiên đoán nghĩa cây đổ, nhà Tiền Lê mất.
  • Câu 4: chữ Thập (十) + chữ Bát (八) + chữ Tử (子) ghép lại thành chữ Lý (李). Câu 4 tiên đoán nhà Lý thay nhà Lê.
  • Câu 5: chữ Đông (東) ghép với bộ "Phụ" của chữ A (阿) thành chữ Trần (陳). Câu 5 tiên đoán họ Trần vào nước Việt làm vua.
  • Câu 6: cây khác lại sinh. Sấm ra đời thời Lê. Cây lê khác lại sinh, tiên đoán nhà Hậu Lê kế tục nhà Trần
  • Câu 7: phương Đông có mặt trời, ứng vào nhà Mạc khởi xuất từ phía Đông (Hải Dương) thay nhà Hậu Lê
  • Câu 8: sao náu mình phía tây. Có các ý kiến khác nhau về câu này. Có ý kiến cho rằng câu này chỉ chúa Trịnh đóng phủ ở phía tây kinh thành Thăng Long, "náu mình" là không ra mặt xưng vua nhưng lại nắm thực quyền. Có ý kiến cho rằng "phía tây" trong câu 8 chỉ nhà Tây Sơn.
  • Câu 9 và câu 10: có ý kiến cho rằng "lục thất" chỉ nhà Nguyễn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chưa có lời giải đáp cụ thể cho 2 câu này.

Tổng quát, bài thơ được giải mã mang nội dung tiên đoán việc nhà Lý nối nghiệp nhà Tiền Lê, cũng như tên các triều đại kế tục tiếp theo trong lịch sử Việt Nam suốt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20, từ khi nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam hình thành ổn định tới khi kết thúc thời phong kiến.

Điều đáng lưu ý là Việt sử lược ra đời thời Trần nhưng không chép 2 câu: "Đông a nhập địa, Mộc dị tái sinh" liên quan tới chính nhà Trần và nhà Hậu Lê. Các nhà nghiên cứu căn cứ vào đây cho rằng:[8]

  • Bài sấm này được làm ra để tạo dư luận cho Lý Công Uẩn lên ngôi;
  • Hai câu này do người đời sau (Trần, Hậu Lê) sáng tác xen thêm vào.